Mở quán cafe cần giấy phép gì? Thủ tục mở quán cà phê có rắc rối không? Nếu bạn đang quan tâm đến những thông tin này thì hãy theo dõi bài viết dưới đây. Autoshop đã tổng hợp thông tin chi tiết về quá trình đăng ký giấy phép kinh doanh quán cafe để bạn dễ tham khảo.
Mở quán cafe cần giấy phép gì? Mở quán phải đăng ký kinh doanh
Dựa theo khoản 2 Điều 79 Nghị định 01/2021/NĐ-CP thì những trường hợp không thuộc diện: Hộ gia đình sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, làm muối, kinh doanh thời vụ, làm dịch vụ có thu nhập thấp và những người bán hàng rong, quà vặt, buôn chuyến, kinh doanh lưu động,… đều cần đăng ký kinh doanh.
Ở điểm đ khoản 1 Điều 3 Nghị định 39/2007/NĐ-CP, các cá nhân và đơn vị hoạt động thương mại là cá nhân tự mình hàng ngày thực hiện một số hoặc toàn bộ các hoạt động được pháp luật cho phép về mua bán hàng, cung ứng dịch vụ… sinh lợi nhưng không cần đăng ký giấy phép kinh doanh. Bao gồm:
- Buôn bán hàng rong, bán quà vặt,…
- Cung cấp những dịch vụ như bán vé số, chữa khóa, đánh giày, rửa xe, sửa chữa xe, trông giữ xe, chụp ảnh, vẽ tranh,… không có địa điểm cố định.
Xét những điều khoản trên thì quán cafe là hình thức kinh doanh dịch vụ ăn uống, cần có địa điểm cụ thể khi kinh doanh. Chính vì thế, chủ quán bắt buộc phải đăng ký giấy phép kinh doanh cho quán cafe của mình.
Liên quan: Mở quán cafe phải nộp thuế gì?
Thủ tục đăng ký giấy phép kinh doanh của quán cafe
Giấy tờ, thủ tục mở quán cafe sẽ bao gồm giấy đăng ký thành lập hộ kinh doanh và giấy phép vệ sinh an toàn thực phẩm. Nếu bạn đang băn khoăn mở quán cafe cần giấy phép gì thì hãy điểm qua một số thông tin như sau:
1. Đăng ký giấy phép thành lập hộ kinh doanh
Căn cứ vào Điều 87 của Nghị định 01/2021/NĐ-CP, các cá nhân kinh doanh quán cafe cần hoàn thành hồ sơ, trình tự, thủ tục đăng ký kinh doanh hộ cá thể cụ thể:
Thành phần hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh
- Giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh.
- Giấy tờ pháp lý (CMND, CCCD hoặc hộ chiếu) của chủ hộ kinh doanh hoặc thành viên trong gia đình đăng ký hộ kinh doanh (đối với trường hợp chủ kinh doanh không tự đăng ký).
- Văn bản uỷ quyền kèm thêm giấy tờ pháp lý cá nhân đối với người thực hiện hộ thủ tục đăng ký hộ kinh doanh.
Nơi nộp hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh
Sau khi bạn đã chuẩn bị đầy đủ những giấy tờ đã nêu bên trên, bạn hãy nộp tại cơ quan đăng ký kinh doanh (cấp huyện tại khu vực đặt trụ sở kinh doanh). Cụ thể bạn cần nộp tại Bộ phận một cửa (bộ phận dịch vụ công) của UBND cấp huyện tại địa phương.
Thời gian làm thủ tục, đăng ký hộ kinh doanh
Trong vòng 03 ngày làm việc (tính từ ngày nhận hồ sơ cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện) sẽ trao Giấy biên nhận và Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh cho bạn.
Lệ phí đăng ký hộ kinh doanh
Theo Thông tư 85/2019/TT-BTC quy định thì lệ phí đăng ký giấy phép kinh doanh là 100.000VNĐ/lần.
2. Đăng ký giấy phép vệ sinh an toàn thực phẩm
Điều 11,12 Nghị định 15/2018/NĐ-CP, mọi cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm cần có thêm giấy phép đăng ký vệ sinh an toàn thực phẩm. Ngoại trừ một số trường hợp như:
- Sản xuất ban đầu nhỏ lẻ.
- Sản xuất, kinh doanh thực phẩm không có địa điểm cố định.
- Sơ chế, kinh doanh thực phẩm thực phẩm nhỏ lẻ.
- Kinh doanh thực phẩm bao gói đóng sẵn.
- Sản xuất, kinh doanh dụng cụ, vật liệu bao gói đựng thực phẩm.
- Nhà hàng trong nhà nghỉ, khách sạn.
- Bếp ăn tập thể của công ty.
- Kinh doanh thức ăn đường phố, hàng rong.
- Cơ sở đã có giấy chứng nhận GMP, HACCP, IFS, BRC, FSSC 22000.
Đăng ký giấy phép vệ sinh an toàn thực phẩm
Khoản 10 Điều 3 Nghị định 15/2018/NĐ-CP, mọi cơ sở nếu hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm (không thuộc những diện trên) đều cần đăng ký Giấy phép an toàn thực phẩm. Quán cafe nếu được cá nhân hoặc hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh thì trường hợp này thuộc vào diện kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ. Do đó bạn chỉ cần đăng ký hộ kinh doanh, không cần xin thêm giấy phép vệ sinh an toàn thực phẩm.
Đọc thêm: Mở quán cafe hết bao nhiêu tiền?
Thời gian cấp giấy phép kinh doanh của quán cafe
Hồ sơ xin cấp giấy phép kinh doanh quán cafe sẽ được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và cấp sau 3 – 5 ngày (nhận hồ sơ đầy đủ, hợp lệ). Sau đó hồ sơ sẽ được tiếp nhận và xử lý bởi:
- Mô hình hộ kinh doanh: Ủy ban nhân dân quận/huyện.
- Mô hình doanh nghiệp: Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm/Ban quản lý an toàn thực phẩm của tỉnh/thành phố.
Mở quán cafe cần thêm giấy phép gì nữa không?
Ngoài giấy phép đăng ký hộ kinh doanh ra thì chủ quán cafe nên xin thêm giấy phép an toàn vệ sinh thực phẩm (quán có quy mô to) hoặc một số giấy tờ như:
- Bằng cấp, chứng chỉ pha chế cafe (của chủ quán và nhân viên pha chế).
- Hợp đồng lao động với nhân viên của quán (làm từ 3 tháng trở lên).
Lời kết
Mong rằng sau khi đọc bài viết này của Autoshop bạn đã có đáp án cho thắc mắc mở quán cafe cần giấy phép gì? Nếu bạn cần hỗ trợ thủ tục mở quán, set up địa điểm kinh doanh quán cà phê thì hãy liên hệ với chúng tôi. Đội ngũ chuyên nghiệp, dày dạn kinh nghiệm sẽ tư vấn và hỗ trợ bạn hết mình, đảm bảo chi phí tốt nhất.